Lỗi vượt đèn vàng sẽ được áp dụng khi chủ phương tiện cố tình đi tiếp dù đèn vàng đã sáng và phương tiện chưa đi quá vạch dừng xe. Khi vi phạm lỗi này lái xe có thể bị phạt hành chính từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Thế nhưng nếu vượt đèn vàng có bị phạt nguội không? Mức phạt bao nhiêu? Hãy cùng phatnguoi.vn tìm hiểu tất tần tật về lỗi vượt đèn vàng trong bài viết này nhé!
1. Lỗi vượt đèn vàng bị phạt khi nào?
Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vượt đèn vàng có bị phạt nguội không?” thì chúng ta hãy cùng xem lỗi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt khi nào nhé.
Ý nghĩa của tín hiệu đèn vàng trên cột đèn giao thông đó là báo hiệu sự thay đổi từ đèn xanh chuyển sang đèn đỏ để những người tham gia giao thông có thể điều khiển xe an toàn và hợp lý hơn. Đèn vàng giúp người tham gia giao thông không bị dừng đột ngột khi đèn đột nhiên chuyển từ xanh sang đỏ.
Tuy nhiên đa phần người tham gia giao thông đường bộ lại chỉ chú ý đến đèn xanh hoặc đỏ mà bỏ qua đèn màu vàng. Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008, trong Khoản 3 Điều 10, tín hiệu đèn vàng bật lên, nếu người điều khiển phương tiện vẫn chưa đi qua vạch dừng thì nhất định phải dừng lại, nếu đã lỡ đi qua khỏi vạch thì được quyền đi tiếp.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn tín hiệu đường bộ số QCVN 41:2019/BGTVT, thông tư 54/2019/TT-BGTVT ban hành cùng Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT cũng có giải thích thêm rằng:
- Tín hiệu đèn vàng bật lên nhưng phương tiện đã vượt qua vạch dừng, hoặc quá gần tới vạch dừng nhưng nhận thấy nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và phương tiện khác, thì sẽ được phép đi tiếp.
- Khi đèn vàng bật chế độ nhấp nháy, nghĩa là phương tiện có quyền được đi tiếp nhưng người lái cần phải giảm tốc độ, quan sát kỹ lưỡng phía sau, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định.
Vậy, lỗi vượt đèn vàng sẽ được tính và bị xử phạt khi nào? Khi đèn màu vàng đang bật sáng nhưng người điều khiển xe vẫn chưa đi quá vạch mà lại cố tình vượt qua và đi tiếp thì sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên vẫn có một điểm loại trừ đó là khi việc dừng lại đó gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
2. Những mức phạt đối với lỗi vượt đèn vàng
Nghị định 100/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vượt đèn vàng đối với các phương tiện cụ thể như sau:
- Đối với mô tô, xe máy, xe máy điện: Theo Điểm E Khoản 4 và Điểm B Khoản 10 Điều 6, chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 VNĐ, đồng thời còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
- Đối với ô tô và những xe tương tự ô tô (bao gồm ô tô điện): Theo điểm E Khoản 4 Và Điểm B Khoản 10 Điều 6, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 VNĐ khi vượt đèn vàng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Nếu vượt đèn vàng và gây tai nạn thì sẽ bị tước giấy phép từ 2 – 4 tháng.
- Đối với xe đạp thô sơ và xe đạp điện: Theo Điểm C Khoản 1 Điều 8, người điều khiển phương tiện khi vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 VNĐ.
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Theo Điểm Đ Khoản 5 Và Điểm A – B Khoản 10 Điều 7, chủ những phương tiện này sẽ bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ, đồng thời tước bằng lái xe (đối với máy kéo) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức luật giao thông (đối với xe máy chuyên dùng) từ 1 – 4 tháng, tùy trường hợp có gây tai nạn hay không.
- Người đi bộ: Theo Điểm B Khoản 1 Điều 9, người đi bộ vi phạm vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 60.000 – 100.000 VNĐ.
>> Xem thêm: Tổng hợp các lỗi phạt nguội thường gặp ở ô tô, xe máy (2023)
3. Quy định về thu giữ xe với lỗi vượt đèn vàng
Khi người tham gia giao thông vi phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt hành chính, một số trường hợp công an sẽ tạm giữ phương tiện hoặc các giấy tờ liên quan.
- Theo quy định trong Khoản 2 và 3 trong Điều 82, Nghị định 100/2020/NĐ-CP:
Khi người điều khiển phương tiện vi phạm một trong những lỗi thuộc Nghị định này, để đảm bảo người đó thực hiện nộp phạt hành chính, người có thẩm quyền sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện hoặc các giấy tờ liên quan của người vi phạm.
- Theo Khoản 6 và 8 trong Điều 125 của Luật xử lý vi phạm 2012:
Trong trường hợp chỉ áp dụng xử phạt hành chính đối với những tổ chức hoặc cá nhân vi phạm vượt đèn vàng, người có thẩm quyền sẽ tạm thu giữ các giấy tờ có liên quan như giấy phép lái xe cho đến khi người vi phạm thực hiện xong nghĩa vụ nộp phạt. Nếu tổ chức hoặc cá nhân không có các loại giấy tờ trên, người có thẩm quyền sẽ thực hiện tạm giữ phương tiện mà tổ chức/cá nhân điều khiển.
Thời gian tạm giữ các phương tiện vi phạm xử phạt hành chính là 07 ngày tính từ thời điểm tạm giữ. Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, thời gian xác minh bị kéo dài thì không được tạm giữ quá 30 ngày.
- Theo Khoản 2 Điều 126 Luật xử lý vi phạm 2012 quy định:
Ngay sau khi thi hành xong quyết định xử phạt và người vi phạm đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt, phương tiện bị tạm giữ sẽ phải được trả ngay cho chủ phương tiện.
Như vậy, lỗi vượt đèn vàng vừa có thể bị phạt hành chính vừa có thể bị tạm giữ phương tiện. Các chủ xe khi tham gia giao thông đường bộ cần chú ý lỗi vượt đèn vàng để tránh bị phạt hành chính và bị thu giữ phương tiện. Dưới đây chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu xem vượt đèn vàng có bị phạt nguội không nhé.
>> Xem thêm: Check phạt nguội vượt đèn vàng với 7 phần mềm uy tín trên điện thoại
4. Vượt đèn vàng có bị phạt nguội không?
Phạt nguội là hình thức xử phạt các trường hợp vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ được ghi lại bởi hệ thống camera giám sát được lắp trên một số tuyến đường trọng điểm.
Hình thức phạt nguội được áp dụng khi hành vi vi phạm đã diễn ra được một thời gian trước đó chứ không phải xử lý trực tiếp tại địa điểm vừa mới xảy vi phạm. Do đó, vượt đèn vàng nếu bị hệ thống camera ghi nhận thì vẫn có thể bị phạt nguội. Mức phạt nguội do vượt đèn vàng tương tự với mức phạt bên trên mà chúng tôi đã trình bày.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin chi tiết về việc phạt vượt đèn vàng và trả lời cho câu hỏi: “Vượt đèn vàng có bị phạt nguội không?”. Nếu có nhu cầu kiểm tra phạt nguội, hãy lên ngay phatnguoi.vn để tra cứu một cách nhanh chóng và chính xác nhé.