Trong những năm qua, cùng với những tiện ích mà dịch vụ viễn thông mang lại thì kèm theo đó là sự gia tăng của các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại hết sức bài bản. Điển hình gần đây là thủ đoạn lừa đảo gọi điện phạt nguội, yêu cầu nộp tiền phạt vi phạm giao thông. Vậy nhận diện các thủ đoạn lừa đảo này như thế nào? Cách phòng tránh ra sao? Có chế tài xử phạt nào đối với các đối tượng trên? Hy vọng bài viết dưới đây của phatnguoi.vn sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu ích.
1. Nhận diện hành vi lừa đảo gọi điện phạt nguội
Hành vi lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua điện thoại đã được cơ quan chức năng cảnh báo và xử lý nhiều trường hợp vi phạm xong hiện tượng này vẫn như “nấm mọc sau mưa”. Dù nhiều phương tiện truyền thông đã lên tiếng cảnh báo xong vẫn có một số người dân trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng và những nạn nhân đã sập bẫy kẻ gian, các đối tượng lừa đảo gọi điện phạt nguội có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu:
- Sử dụng nhiều số điện thoại “lạ” giả mạo CSGT
- Sử dụng chung một kịch bản dọa nạt
1.1. Sử dụng nhiều số điện thoại “lạ” giả mạo CSGT
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều số điện thoại di động hoặc số máy bàn khác nhau nhưng điểm chung của những số máy này đều không phải là số điện thoại chính thức hoặc đường dây nóng của Sở cảnh sát giao thông. Xem ngay Tổng hợp số điện thoại Cục Cảnh sát Giao thông phạt nguội 64 tỉnh thành.
Các số máy lừa đảo được người dân phản ánh với Sở Giao thông vận tải thường là +8499672xxxx; +8476622xxxx; +8438439xxx; +59060538xxxx; … và nhiều số lạ khác như các số máy bàn có đầu +252, +224, +247, các số có đầu nước ngoài,…
1.2. Sử dụng chung một kịch bản
Kẻ gian thường sử dụng chung một kịch bản lừa đảo gọi điện phạt nguội như sau:
“Sở giao thông vận tải tỉnh xxx thông báo thuê bao xxx có một biên lai vi phạm phạt nguội giao thông chưa được thanh toán, mời bấm phím x theo hướng dẫn để kiểm tra”.
Sau khi ấn phím theo hướng dẫn, người dân sẽ được gặp một người tự xưng là Tổng đài viên. Nếu người dân nói rằng không biết biên bản gì thì Tổng đài viên sẽ hỏi các thông tin cá nhân của nạn nhân sau đó, đọc một biên bản vi phạm “như thật” và yêu cầu nạn nhân nộp phạt vào số tài khoản ngân hàng của một cá nhân nào đó. Đặc biệt, chúng nhấn mạnh nếu quá hạn nộp phạt thì người dân sẽ bị xử lý hình sự.
Nhiều người đã cảnh giác và tỉnh táo trước những lời dọa nạt nhưng cũng có nhiều người mắc bẫy của đối tượng lừa đảo. Chúng lợi dụng sự cả tin, nỗi sợ khi nhắc tới cơ quan chức năng, tới mức phạt hình sự của nhiều người để trục lợi. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cá nhân thường được người dân chia sẻ lên mạng xã hội nên dễ bị kẻ gian đánh cắp thông tin, nhất là số điện thoại. Đây là “tư liệu” để chúng có thể thực hiện hành vi lừa đảo gọi điện phạt nguội.
2. Khuyến cáo của Cơ quan công an để phòng tránh lừa đảo gọi điện phạt nguội
Đại tá Nguyễn Quang Nhật thuộc Cục Cảnh sát giao thông cho hay, chiêu thức lừa đảo trên không mới nhưng vẫn có nhiều người “nhẹ dạ, cả tin”, với tâm lý không vững thì rất dễ bị mắc lừa.
Theo quy định, tất cả trường hợp vi phạm an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống camera giám sát đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển, đề nghị tới trực tiếp đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý phạt nguội.
Hoặc khi đi đăng kiểm xe ô tô, phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông báo về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát giao thông xử lý. Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng nhấn mạnh: Cục Cảnh sát giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông tỉnh, thành phố không gọi điện thoại thông báo phạt nguội, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản ngân hàng nào.
Công an TP. Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác về các thủ đoạn lừa đảo gọi điện phạt nguội, tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, Cơ quan công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập trực tiếp về nơi cư trú hoặc gửi qua công an địa phương. Tuyệt đối không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ việc nộp tiền phạt.
Người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng, đồng thời không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP.
Luật sư Nguyễn Thị Hường – Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cảnh báo: Ngay sau khi người dân nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo gọi điện phạt nguội và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, người bị hại cần báo ngay cho cơ quan công an nơi cư trú (Công an xã, phường, thị trấn,…) để được giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, để nắm chắc thông tin phạt nguội chính thống từ cục CSGT, bạn nên thường xuyên tra cứu phạt nguội, qua đó tránh được những kẻ lừa đảo gọi điện phạt nguội nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn.
>> Xem thêm: Thời hạn xử lý vi phạm giao thông phạt nguội cập nhật mới nhất 2023 phải biết
3. Chế tài pháp luật đối với hành vi gọi điện lừa đảo phạt nguội
Hành vi sử dụng điện thoại lừa đảo nộp phạt giao thông, tuỳ vào mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
- Cá nhân có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 có thể bị xử phạt 2,000,000 – 3,000,000 đồng. Nếu là tổ chức, mức phạt sẽ là 4,000,000 – 6,000,000 đồng.
- Cá nhân có hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác phải đưa tiền hoặc tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 bị phạt tiền từ 3,000,000 – 5,000,000 đồng. Nếu là tổ chức, mức phạt sẽ là 6,000,000 – 10,000,000 đồng.
Hành vi lừa đảo gọi điện phạt nguội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gọi điện thoại lừa đảo nộp phạt giao thông xảy ra nếu tài sản mà kẻ gian chiếm đoạt được có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
Trên đây là một số mánh khóe lừa đảo gọi điện phạt nguội của kẻ gian và những lời khuyên phòng tránh từ cơ quan công an. Nếu bạn hay di chuyển trên các tuyến đường quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận, chắc hẳn các bạn sẽ cần tham khảo những lỗi phạt nguội trên vành đai 3. Đừng quên theo dõi website phatnguoi.vn để xem thêm những bài viết bổ ích về phạt nguội giao thông nhé!